True


Cách Bảo Vệ Dạ Dày Khi Dùng Thuốc Aspirin

 Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ức chế tập kết tiểu cầu thông dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng Aspirin cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh loét dạ dày. CEVPharma gợi ý tới bạn những cách dùng Aspirin an toàn và hiệu quả nhất.

Tại sao Aspirin lại có thể gây hại cho dạ dày?

Aspirin hay còn được biết đến với tên gọi acid acetylsalicylic. Đây là loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm non steroid. Ngoài ra, Aspirin còn được chỉ định trong các trường hợp chống tập kết tiểu cầu, khi sử dụng liều thấp kéo dài có thể ngừa đau tim và ngăn hình thành huyết khối giảm nguy cơ các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch. Tuy nhiên, Aspirin lại có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày, thậm chí có thể gây ra xuất huyết dạ dày. Tại sao lại xảy ra vấn đề này?

Cũng như các loại thuốc chống viêm non steroid (NSAIDs) khác, Aspirin cũng hoạt động bằng cách ức chế enzym COX (cyclooxygenase). Từ đó, dẫn đến ức chế tổng hợp các hoạt chất gây viêm, đau như prostaglandin, thromboxan và các sản phẩm chuyển hóa. 

Có 2 loại enzyme COX: COX-1 và COX-2. Trong có COX-1 là enzyme được tìm thấy trong các mô tế bào bình thường, duy trì bình thường niêm mạc dạ dày, chức năng thận và tiểu cầu. Trong khi đó, enzyme COX-2 được tìm thấy chủ yếu ở vị trí gây viêm, bị kích thích tăng tạo prostaglandin của quá trình gây viêm.

Aspirin ức chế cả hai loại enzyme này, dẫn đến việc ức chế COX-1 làm giảm tổng hợp prostaglandin bảo vệ tế bào màng nhầy và giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày. Điều này khiến cho axit dịch vị khuếch tán trở lại niêm mạc, làm tổn thương tế bào và mạch máu gây viêm và gây loét dạ dày.

Aspirin có thể gây hại dạ dày

Aspirin có thể gây hại dạ dày

Bản chất acid cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày và chảy máu của nhóm NSAIDs, bằng cách làm suy giảm quá trình phục hồi, can thiệp vào quá trình cầm máu và bất hoạt một số yếu tố tăng trưởng quan trọng trong việc bảo vệ và sửa chữa niêm mạc.

Việc sử dụng nhóm thuốc non Steroid hay Aspirin là nguyên nhân phổ biến của bệnh loét dạ dày tá tràng và các biến chứng. Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần xin ý kiến bác sĩ và tham khảo cách bảo vệ dạ dày khi dùng thuốc Aspirin dưới đây.

Cách bảo vệ dạ dày khi dùng thuốc Aspirin

1. Trao đổi với bác sĩ trước nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào hoặc có tiền sử mắc các bệnh sau đây: 

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã và đang gặp vấn đề về dạ dày, trước khi sử dụng Aspirin. Điều này giúp bác sĩ cân nhắc khi kê đơn Aspirin và có các biện pháp xử lý từ đầu giảm thiểu tình trạng gây hại dạ dày.

Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào (kể cả các loại thực phẩm bổ sung) thì hãy trao đổi với bác sĩ tránh trường hợp các loại thuốc sẽ tương kỵ với Aspirin. Một số loại thuốc chống chỉ định khi sử dụng Aspirin: thuốc điều trị hen suyễn, các vấn đề về chảy máu, polyp mũi, bệnh gan, xuất huyết tiêu hóa, bệnh thận, các bệnh về máu và dạ dày.

Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang có thai hoặc đang cho con bú. 

Aspirin không thích hợp cho mọi trẻ, chỉ sử dụng trong một số trường hợp hạn chế và có chỉ định nghiêm ngặt từ bác sĩ.

2. Sử dụng Aspirin một cách cẩn trọng để bảo vệ dạ dày

Không nên uống Aspirin dạng viên nén trần lúc đói, mà cần uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để nhờ thức ăn làm chất độn, ngăn không cho Aspirin tiếp xúc trực tiếp và làm hại đến niêm mạc dạ dày. Sử dụng tốt nhất là sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa để hình thành thói quen và không nằm sau ít nhất 10 phút sau khi uống thuốc.

Đối với loại Aspirin bao tan trong ruột phải uống xa bữa ăn, để khi vào dạ dày Aspirin được đẩy nhanh xuống ruột non, tan ra và hấp thu tại đây. Tránh trường hợp ăn no thuốc sẽ bị giữ lại cùng với thức ăn tại dạ dày lâu hơn, chưa xuống ruột non đã tan sẽ không phát huy tốt tác dụng của thuốc và gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Đối với dạng viên nhai có thể được nhai, nghiền hoặc hòa tan trong nước. Aspirin dạng sủi hoặc bột uống, cần hòa tan thành dung dịch khi uống (ví dụ thuốc bột aspegic)

3. Các phương pháp bảo vệ dạ dày khi dùng Aspirin

Nếu gặp các vấn đề về dạ dày, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc khác để bảo vệ dạ dày như:

Thuốc ức chế bơm proton (PPI): làm giảm đáng kể tình trạng loét dạ dày và các biến chứng của nó, ngăn ngừa tổn thương dạ dày ở những bệnh nhân đang sử dụng NSAIDs nói chung là Aspirin nói riêng.

Misoprostol: sử dụng liều tối đa 800 mcg/ngày, là chất tương tự prostaglandin E1 có tác dụng trong bảo vệ dạ dày nhờ ức chế tiết acid dạ dày và pepsin, ngăn ngừa viêm loét và biến chứng của nó ở bệnh nhân dùng thuốc Aspirin.

Thuốc kháng thụ thể H2: có tác dụng kém hơn đáng kể so với thuốc PPI. Sử dụng thuốc nhóm H2 liều cao có thể làm giảm nguy cơ viêm loét tá tràng và không có dữ liệu lâm sàng nào chứng minh dùng thuốc nhóm kháng H2 ngăn các biến chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng.

Sử dụng Aspirin thế nào là phù hợp đối với từng đối tượng?

Hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các người cao tuổi, sử dụng Aspirin để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, bổ tim, khỏe tim và không thông qua ý kiến của bác sĩ. Việc này là rất nguy hiểm vì quá liều Aspirin có thể dẫn đến các tình trạng đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, việc sử dụng Aspirin cần phải phù hợp đối tượng và phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.