True


Tương tác thuốc với thức ăn: Những thực phẩm nên tránh khi uống thuốc

Khi chúng ta dùng thuốc, chúng ta thường được hướng dẫn về cách sử dụng và liều lượng. Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là tương tác giữa thuốc và thức ăn. Một số loại thức ăn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Trong điều trị các bệnh lý phối hợp, tương tác thuốc là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm hơn. Việc tương tác thuốc với thức ăn có thể làm thay đổi cách cơ thể chuyển hóa thuốc, xuất hiện những độc tính, phản ứng có hại, gây thất bại trong điều trị, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, chúng ta cần nắm được một số cặp tương tác thuốc với thức ăn gây hại. Từ đó, biết cách dùng thuốc sao cho đúng và hiệu quả nhất. Dưới đây là các loại tương tác thuốc - thức ăn thường gặp nhất mà CEVPHARMA muốn thông tin đến bạn.

1. Rau củ và Trái cây làm giảm hiệu quả của thuốc

Chiết xuất cam thảo chứa glycyrrhizin và glycyrrhetinic acid, là những chất gây giữ natri và giảm kali, có thể gây trở ngại cho nhiều loại thuốc bao gồm thuốc hạ huyết áp và chống loạn nhịp. Uống nhiều cam thảo có thể gây ra chứng cường corticosteroid với khả năng giữ natri và mất kali, phù nề, tăng huyết áp và suy giảm hệ thống renin-angiotensin-aldosterone.  Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ axit glycyrrhizic hàng ngày từ 95 mg trở lên sẽ làm tăng huyết áp. Vì vậy không nên dùng quá 10-30g cam thảo và uống quá nửa tách trà cam thảo mỗi ngày.

Rau xanh chứa vitamin K: Các loại rau xanh như bông cải xanh, cải Brussels, cải xoăn, rau mùi tây, rau bina và các loại khác có nồng độ cao vitamin K. Vitamin K có tác dụng đông máu, do đó, khi sử dụng các loại thuốc chống đông máu như warfarin, việc ăn quá nhiều rau xanh hoặc thay đổi đột ngột lượng ăn những loại rau này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Quả dứa: Dứa chứa một enzym gọi là bromelain có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) kháng sinh amoxicillin, tetracyclin; thuốc chống đông máu wafarin, thuốc chống kết tập tiểu cầu, heparin, làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều. Enzym này có thể tăng hoặc giảm nồng độ của thuốc trong cơ thể.

Hành và tỏi: Hành và tỏi có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông máu. Chúng có thể làm tăng thời gian đông máu và gây ra vấn đề về chảy máu.

Quả bưởi (Bưởi chùm): Bưởi có thể tương tác với nhiều loại thuốc, như thuốc nhóm statin giúp giảm cholesterol (atorvastatin, simvastatin, lovastatin); thuốc chẹn kênh Canxi (nifedipin, felodipin); thuốc ức chế miễn dịch (Cyclosporine, Tacrolimus); các thuốc điều trị bệnh tâm thần và thần kinh. Chất có trong quả bưởi có thể gây tăng nồng độ của thuốc trong cơ thể, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.